Bộ Giáo dục cân nhắc bỏ hình thức xét tuyển sớm từ năm 2025

Cập nhật lúc: 18:17 07-12-2024 Mục tin: Thi tốt nghiệp THPT 2025


Sau khi nhận được những đề xuất, kiến nghị từ các trường ĐH, Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho biết Bộ đang cân nhắc bỏ hình thức xét tuyển sớm.

Thứ trưởng Giáo dục Hoàng Minh Sơn cho biết nhiều đại học đề xuất bỏ xét tuyển sớm, Bộ đang cân nhắc.

Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu. Hiện, các trường xét sớm bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực....

Chiều 7/12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết điều chỉnh này căn cứ thực tiễn tuyển sinh đại học trong nhiều năm, lắng nghe ý kiến chuyên gia, trường đại học, nhà quản lý giáo dục phổ thông...

"Việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên nguyên tắc công bằng, chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường", Thứ trưởng Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Sơn, xét tuyển sớm "như tạo nên một cuộc chạy đua". Một trường tổ chức xét tuyển sớm khiến nhiều trường không đứng yên được và cũng làm theo.

"Nhưng nếu tất cả cùng tham gia cuộc chạy đua này thì đều vất vả. Cơ sở đào tạo phải chuẩn bị hồ sơ từ sớm. Học sinh đang học cũng phải chạy đôn chạy đáo làm hồ sơ. Thầy cô giáo phải xác nhận sớm cho học sinh. Nhưng hiệu quả mang lại thì không cao", ông Sơn phân tích.

Theo thống kê của Bộ, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng nhập học. Cứ hai thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học.

Xét tuyển sớm do các trường tự tổ chức, nên khi Bộ xét tuyển chung thì sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Điều này khiến các trường xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn.

"Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập khi các em chưa hoàn thành chương trình THPT nên cũng tạo ra sự không công bằng", ông Sơn nói. Ngoài ra, nhiều trường THPT phản ánh có tình trạng học sinh đã trúng xét tuyển sớm rồi đến lớp chỉ để chơi. Hệ quả là tác động đến chất lượng giáo dục phổ thông.

"Xét về cả khía cạnh công bằng, chất lượng, hiệu quả, sự thuận lợi, Bộ đã lắng nghe để điều chỉnh quy chế xét tuyển đại học", ông Sơn cho hay. Giải thích về việc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, ông nói để các trường tuyển được những học sinh có năng lực vượt trội. Những em còn lại vào đợt xét tuyển tập trung để đảm bảo công bằng, chất lượng, thuận lợi.

 "Tôi đã lắng nghe nhiều chuyên gia đồng thuận, thậm chí nhiều người còn đề xuất bỏ xét tuyển sớm, nên chúng tôi sẽ cân nhắc để lại tỷ lệ 20% hoặc bỏ", ông Sơn cho hay.

>> Xem thêm thông tin nhiều trường ĐH đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm Tại đây

Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 cho phép các trường tự chủ tuyển sinh. Từ năm 2019, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được xác định với mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc xét tuyển đầu vào đại học với nhiều phương thức nở rộ. Các phương thức phổ biến là xét học bạ, học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế, giải thưởng học sinh giỏi hay điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, vào khoảng tháng 3-5 hàng năm. Cùng đó, các trường vẫn dành chỉ tiêu nhất định để xét bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (tháng 7). Điều này dẫn đến cùng một ngành nhưng lại có nhiều "điểm chuẩn", đặc biệt điểm chuẩn từ thi tốt nghiệp bị đẩy lên cao.

Với dự thảo mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ "xét tuyển sớm" là các đợt xét tuyển trước đợt chung của Bộ (sau kỳ thi tốt nghiệp THPT). Như vậy, với 80% chỉ tiêu xét ở đợt chung, các trường vẫn được sử dụng nhiều phương thức (học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ quốc tế...). Tuy nhiên, điểm chuẩn đợt sớm không thấp hơn đợt chung và phải quy đổi các phương thức về cùng một thang điểm.

Đây mới là điểm gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định việc khắc phục bất cập của xét tuyển sớm là cần thiết, song chưa đồng tình cách làm của Bộ. Cụ thể, Bộ không đưa ra căn cứ nào cho thấy con số 20% là công bằng. Ngoài ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT bị cho không có độ phân hóa bằng các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy để chọn thí sinh chất lượng. Vì thế, việc quy đổi điểm các kỳ thi này theo thang chung, rồi xét tuyển dựa trên đó rối rắm, khiến thí sinh khó hiểu.

Tại hội thảo do Bộ tổ chức hôm qua, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, cho rằng con số 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa, nên đề xuất mạnh dạn bỏ. TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Duy Tân và Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP HCM, ủng hộ ý kiến này.

Theo ông Sơn, việc Bộ định duy trì xét tuyển sớm với tỷ lệ chỉ tiêu thấp có thể gây lãng phí nguồn lực và thời gian cho cả các trường và thí sinh.

Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%).

2k7.info

DÀNH CHO 2K7 – ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bài thi Đánh giá năng lực 2025 thay đổi toàn bộ từ cấu trúc bài thi, các dạng câu hỏi,.... mà bạn chưa biết phải ôn tập như thế nào cho hiệu quả? không học môn đó thì làm bài ra sao?

Bạn cần phương pháp ôn tập và làm bài thi từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Trang bị phương pháp làm bài suy luận khoa học
  • Bộ 15+ đề thi thử chuẩn cấu trúc mới bài thi ĐGNL

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

2K7.info - Cổng chính thức dành riêng cho 2k7 tìm hiểu về các kì thi đánh giá năng lực 2025, thi tốt nghiệp thpt 2025, đánh giá tư duy - đgtd với đầy đủ thông tin: Tìm hiểu về kì thi như lịch thi 2025, cách đăng ký dự thi, đề án tuyển sinh, đề thi minh họa, đề thi thử, đề thi chính thức, điểm thi, phổ điểm, điểm chuẩn. Tất cả thông tin đảm bảo chính xác bởi đội ngũ Thầy cô, chuyên gia và tư vấn 12 năm đồng hành cùng học sinh.